Trong tuần thai thứ 11, khuôn mặt của bé bắt đầu có hình dáng hoàn chỉnh: Mắt đã di chuyển từ hai bên vào giữa khuôn mặt và tai đã ở đúng vị trí. Mẹ bắt đầu gặp chứng ợ nóng và sẽ có đôi chút khó chịu
Sự phát triển của thai nhi
Trong tuần thai thứ 11 này, bé bắt đầu phát triển khả năng phản xạ. Những ngón tay của bé có thể xòe ra và nắm lại, ngón chân co lại, cơ mắt nhắm chặt, miệng của bé sẽ làm những động tác như đang mút. Nếu mẹ chèn ép bụng mình, bé sẽ vặn mình để phản ứng lại dù mẹ không cảm nhận được. Ruột của bé phát triển rất nhanh, bắt đầu được sắp xếp vào trong khoang bụng của bé. Thận cũng bắt đầu bài tiết nước tiểu vào bàng quang của bé.
Điểm quan trọng trong sự phát triển của thai nhi tuần này là các tế bào thần kinh được nhân lên rất nhanh. Trong não của bé, các khớp thần kinh được hình thành. Khuôn mặt của bé bắt đầu giống như khi ra đời: mắt đã di chuyển từ hai bên vào giữa khuôn mặt và tai đã ở đúng vị trí. Từ đỉnh đầu đến chóp mông, bé dài khoảng 5cm gần bằng một trái chanh, nặng chừng 15g.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Tử cung đã lớn đến mức bác sĩ có thể cảm nhận được phần chóp (đáy tử cung) ở bụng dưới của mẹ, ngay trên xương mu. Mẹ có thể bắt đầu mặc đồ bầu từ tuần thai này, nếu không thích mặc đồ bầu, mẹ cũng vẫn nên mặc những loại quần áo rộng rãi và có độ co dãn nhiều.
Mẹ bắt đầu gặp chứng ợ nóng, cảm giác nóng rát thường kéo dài từ phía dưới của xương ức đến phần dưới cổ họng, tình trạng này có thể nặng hơn nếu mẹ đã từng bị trước đây. Trong quá trình mang thai, nhau thai sản sinh rất nhiều hormone progesterone, làm giãn van ngăn cách thực quản và dạ dày, đặc biệt là khi mẹ đang nằm, axit dạ dày có thể đi ngược đường lên thực quản, gây cảm giác nóng rát khó chịu và làm mẹ mất tập trung.
Từ tuần này, mẹ nên tạm biệt sở thích uống cà phê. Thay vì uống cà phê sáng, hãy thử một tách sữa nóng, si-rô trái cây hoặc sữa chua trái cây, những thức uống này vừa ngon lại tốt cho mẹ và bé.
Gợi ý cho tuần này:
Lập ngân sách những khoản cần chi tiêu cho bé.
Mẹ hãy Hãy thảo luận với bố những khoản cần thiết phải chi tiêu cho bé như quần áo, thực phẩm, tã giấy, đồ chơi và những chi phí phát sinh khi bé ngày càng lớn. Hãy tính toán xem mẹ có thể cắt ngân sách ở những khoản khác để dành cho bé và quan trọng nhất là phải để dành các khoản chi đó ngay từ bây giờ.