Tuần này, bé đã to bằng một quả cam và diện mạo đang ngày càng hoàn thiện. Trong khi đó, mẹ đã hết ốm nghén và đang chờ đợi những lần thai máy đầu tiên
Thai 15 tuần có gì mới?
Tuần này, bé yêu đang trong quá trình hình thành và tập luyện rất nhiều phản xạ. Trước hết, bé đang luyện tập hít thở bằng cách luân chuyển nước ối từ mũi đến các phần khác của đường hô hấp trên. Những hoạt động này sẽ giúp khởi động cho sự phát triển của các phế nang (các túi khí) trong phổi. Chân của bé đang phát triển dài ra nhiều hơn so với cánh tay, và bé đã có thể chuyển động tất cả các khớp và chi.
Tiếp đến, bé đang hình thành phản xạ thị giác. Dù đôi mắt vẫn đang khép chặt, bé đã cảm nhận được ánh sáng. Nếu mẹ chiếu một luồng sáng lên bụng mình, bé sẽ di chuyển để tránh khỏi nơi có ánh sáng mạnh nhất. Thai 15 tuần cũng đã hình thành vị giác, tuy nhiên, bé vẫn chưa cảm nhận và phân biệt được các vị khác nhau.
Lúc này, bé vặn mình và cử động rất nhiều, nhưng hãy còn khá sớm để mẹ cảm nhận được những cử động thai đó, nhất là đối với những mẹ mới lần đầu mang thai.
Ở tuần 15, cơ thể bé cũng đã bắt đầu huy động canxi để làm cho xương cứng cáp hơn và hình thành các chồi răng dưới lợi.
Trong vài tuần tới, bé sẽ phát triển thêm chiều dài và tăng gấp đôi trọng lượng. Lúc này, ước chừng bé đã lớn bằng một quả cam, dài 11,5cm từ đầu đến chân và nặng khoảng 100gr, tăng trọng lượng gấp rưỡi so với tuần trước.
Khi thai 15 tuần, bác sỹ đã có thể xác định giới tính của bé thông qua siêu âm. Tuy nhiên, kết quả có chính xác hay không phụ thuộc vào tư thế của bé trong bụng mẹ. Nếu bé nằm bắt chéo chân khi máy siêu âm quét qua thì bác sỹ của bạn không thể kết luận chắc chắn được. Ngoài ra, thời điểm bác sỹ có thể tiết lộ giới tính thai nhi có thể trễ hơn, tùy theo quy định của bệnh viện và luật hiện hành.
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao khi thai 15 tuần?
Phần đỉnh tử cung đã ở vào khoảng giữa xương mu và rốn, các vòng dây chằng đỡ tử cung đang dày lên và giãn ra khi tử cung lớn dần. Mẹ sẽ cảm thấy khỏe hơn rất nhiều vì đang ở giai đoạn ổn định của thai kỳ. Mẹ cũng ít buồn nôn hơn, ít thay đổi cảm xúc hơn và nước da hồng hào thể hiện sức khỏe tốt.
Mẹ sẽ sớm trải nghiệm một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của quá trình mang thai khi cảm nhận được cử động của bé.
Trong khi một số bà mẹ sớm nhận biết “thai máy” từ khi thai 15 tuần, cũng có nhiều người không cảm nhận được cử động của con mình cho đến tuần thứ 17 hoặc lâu hơn. Nếu đây là lần đầu tiên mẹ mang thai thì đừng quá nôn nóng nhé, có thể phải đợi đến khoảng 20 tuần hoặc hơn. Những chuyển động ban đầu có thể cảm thấy như tiếng vỗ nhẹ, ợ hơi, hay thậm chí lách tách như tiếng bắp rang. Qua những tuần tiếp theo, khi những cử động này trở nên mạnh và rõ thêm, mẹ sẽ cảm nhận được thường xuyên hơn.
Mẹ cũng có thể thử nằm xuống trong vài phút để dễ cảm nhận hơn cử động như có cánh bướm vờn nhẹ ở bụng dưới của mình. Cảm giác đó thật tuyệt diệu!
Tuy nói rằng tam cá nguyệt thứ hai là khoảng thời gian tuyệt vời nhất cho các mẹ bầu, một số triệu chứng khó ưa vẫn thường xuyên làm phiền mẹ. Chẳng hạn, sự thay đổi hormone có thể khiến mẹ bị ngạt mũi. Đồng thời, sự gia tăng lưu lượng máu trong cơ thể và mở rộng mạch máu trong khoang mũi có thể khiến mẹ bị chảy máu cam.
Bạn và anh xã cũng có thể đang trải qua cảm giác lo lắng về sức khỏe của thai nhi khi những đợt khám thai quan trọng đang đến. Nếu nằm trong nhóm phải tiến hành chọc ối, thời điểm thích hợp cho bước thăm dò này sẽ nằm trong khoảng từ tuần này đến tuần thứ 18.
Tuần thứ 15 là thời điểm tuyệt vời cho một chuyến đi lãng mạn của hai vợ chồng. Khi bé con chào đời, sẽ rất khó để bố mẹ có một chuyến du lịch cuối tuần cùng nhau. Đừng bỏ lỡ cơ hội này để thắp lên sự nồng nàn cho cả hai. Và cũng đừng trì hoãn chuyến đi quá lâu vì trong giai đoạn cuối của quá trình mang thai, mẹ có thể cảm thấy rất mệt mỏi và đau nhức, hoàn toàn không còn tâm trạng để đi đâu đó. Nếu mẹ không thể đi xa, hãy lên kế hoạch cho những hoạt động cả hai có thể cùng nhau tận hưởng bữa tối tại nhà hàng yêu thích hoặc cùng xem một bộ phim hay chẳng hạn.